Home Uncategorized Lỗ hổng tiếng Anh chuyên ngành của sinh viên

Lỗ hổng tiếng Anh chuyên ngành của sinh viên

2,606 views
0

Việc đào tạo tiếng Anh chuyên ngành chưa hợp lý dẫn đến sinh viên ra trường rất yếu kỹ năng này, ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp

“Qua thực tế, tôi thấy nhiều kỹ sư rất yếu tiếng Anh chuyên ngành và họ thường rất chậm tiến bộ trong công việc”. Ông Phan Trí Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Petech, bày tỏ. Đây cũng là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH hiện nay.

Khan hiếm giáo trình

Ông Phan Trí Dũng cho biết thêm: Nhiều kỹ sư khi cần tiếp cận với tài liệu khoa học thì chỉ biết vào mạng tra tài liệu bằng tiếng Việt, còn tiếng Anh không đọc được, rồi nản chí. Tiếng Anh chuyên ngành yếu khiến cho trình độ của nhiều kỹ sư trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ tụt hậu nhanh.

PGS-TS Nguyễn Thúy Vân, trưởng bộ môn điện tử viễn thông Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ THPCM, cho rằng tiếng Anh chuyên ngành cực kỳ quan trọng, nếu không biết sẽ không có chìa khóa để mở các kiến thức mới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Không đọc được tài liệu tiếng Anh thì sinh viên cũng rất khó làm đề án, luận văn chuyên sâu.

Tuy nhiên, tại các trường ĐH hiện nay, việc dạy tiếng Anh chuyên ngành còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo TS Nguyễn Văn Thư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, khó khăn nhất là nguồn tài liệu và giáo trình.

Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, giáo trình tiếng Anh chuyên ngành không theo chuẩn nào. Ví dụ, ngành hàng hải thì dùng giáo trình của tổ chức hàng hải thế giới, ngành công nghệ thông tin thì dùng một giáo trình của Anh, một số ngành thì tập hợp từ nhiều môn khác nhau cho phù hợp. Cũng có những ngành không kiếm được tài liệu, giảng viên phải tự soạn nên chất lượng chuyên môn phụ thuộc vào trình độ của người soạn.

Việc dạy tiếng Anh chuyên ngành cần được phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên tiếng Anh và giáo viên chuyên ngành. Ảnh: T.UYÊN

Cùng quan điểm, TS Đoàn Huệ Dung, Trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhận định việc xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành chưa có sự kết hợp giữa giảng viên tiếng Anh và giảng viên chuyên ngành.

Do đó, giáo trình và phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với mục tiêu phát triển khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong môi trường làm việc chuyên môn, mà giáo trình hiện mang nặng nội dung đọc – dịch – từ vựng.

Giảng viên không chuyên

TS Ngô Cao Cường, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, nêu thực tế đa số giảng viên dạy tiếng Anh chuyên ngành tại trường là giảng viên khoa ngoại ngữ. Những giảng viên này khi dạy tiếng Anh chuyên ngành không đáp ứng được bởi tiếng Anh chuyên ngành có thuật ngữ riêng.

Hiện một số ngành đang triển khai việc giảng viên chuyên ngành đảm nhiệm dạy tiếng Anh, tuy nhiên, việc này cũng còn nhiều hạn chế. Tại nhiều trường, phần lớn giảng viên dạy tiếng Anh chuyên ngành cũng đều là giảng viên của khoa ngoại ngữ.

TS Nguyễn Văn Thư cũng cho biết từ khi chuyển sang tín chỉ, việc triển khai dạy học tiếng Anh chuyên ngành khó khăn hơn. Trước đây, nhà trường xây dựng chương trình tiếng Anh cơ bản kết hợp với chuyên ngành cho từng ngành riêng để sinh viên tiếp cận ngay từ đầu, tuy nhiên, khi chuyển sang tín chỉ, sinh viên bắt buộc phải học chương trình tiếng Anh cơ bản chung theo tín chỉ, sau đó mới chuyển sang tiếng Anh chuyên ngành.

Đại diện các trường đều cho rằng thời lượng dành cho tiếng Anh chuyên ngành hiện chưa phù hợp vì chỉ có khoảng 3-4 tín chỉ (tương đương 45-60 tiết). Thời lượng này để dạy cho sinh viên đọc hiểu còn khó. Đó cũng là lý do khiến nhiều sinh viên ra trường nói tiếng Anh rất kém, thiếu tự tin và không làm việc nổi với chuyên gia nước ngoài.

Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua, nhiều trường tổ chức bổ túc tiếng Anh chuyên ngành cho giảng viên chuyên Anh, cử giảng viên các khoa đi học tiếng Anh, tích cực tiếp cận những tài liệu nước ngoài để xây dựng chương trình phù hợp… Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn.

TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM:
Ba yếu tố để dạy tốt tiếng Anh chuyên ngành
Để dạy và học tốt tiếng Anh chuyên ngành, trước hết cần yếu tố đầu vào. Hiện nay, hầu như không có trường nào xác định mức đầu vào cần thiết để có thể học tiếng Anh chuyên ngành cho có hiệu quả.Kế đến là giáo trình. Thông thường, các giáo trình tiếng Anh chuyên ngành được soạn sẵn đều không có hiệu quả và kém hấp dẫn, do quá nặng phần ngôn ngữ (chủ yếu là ngữ pháp và từ vựng chuyên ngành), nhưng không cập nhật về nội dung chuyên môn của ngành.

Vì vậy, để đạt hiệu quả cao, giáo viên phải có năng lực chọn và biên soạn tài liệu giảng dạy cho phù hợp. Một nguyên nhân rất quan trọng khác nữa là sự không phù hợp giữa một bên là đầu vào, chương trình, thời lượng và bên kia là mục tiêu đặt ra.

Các mục tiêu thường được đặt rất cao, làm giảm động cơ giảng dạy và học tập của cả thầy lẫn trò. Chính vì vậy mà việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành hiện nay có thể xem là chưa thành công, nếu không muốn nói là thất bại.

Cuối cùng là đội ngũ giảng viên. Không thể thay thế giảng viên tiếng Anh chuyên ngành bằng cách yêu cầu các giảng viên giảng dạy chuyên ngành sang dạy tiếng Anh chuyên ngành, vì điều này là phi lý.

Ở các nước, người ta vẫn để giáo viên tiếng Anh giảng dạy, nhưng có sự kết hợp chặt chẽ giữa giảng viên ngoại ngữ và giảng viên chuyên ngành sao cho việc dạy học đạt được kết quả cao nhất.

         
DVD học Autocad 1016 chi tiết 5 DVD tự học NX 11 hay nhất 4 DVD tự học Solidworks 2016 Bộ 3 DVD cơ khí - 600 Ebook 3 DVD họcCreo 3.0 ưu đãi 50%